Văn hóa ẩm thực Nhật Bản luôn khiến du khách cảm thấy sung sướng khi nghĩ đến. Bài viết sau cùng tìm hiểu về ẩm thực Nhật Bản như thế nào nhé!

Từ trước đến nay, Nhật Bản luôn được biết đến là một siêu cường quốc với những bước tăng trưởng “thần kỳ” về kinh tế cũng như trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật cao. Không dừng lại ở đó, người Nhật còn gây ấn tượng với bạn bè quốc tế bởi những nét độc đáo của nền văn hóa truyền thống lâu đời. Đặc biệt, văn hóa ẩm thực Nhật Bản cũng là một nét đặc trưng của quốc gia này, giúp thu hút khách du lịch lựa chọn Nhật Bản làm điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ của mình. Vì thế, bài viết ngày hôm nay congnghethucpham24h.com xin được thông tin đến bạn đọc 6 nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực Nhật Bản, để giúp bạn đọc có thêm kiến thức về ẩm thực Nhật Bản trước khi có cơ hội đến thăm đất nước xinh đẹp này.

Văn hóa ẩm thực Nhật Bản

Luôn đề cao sự tối giản

Người Nhật luôn đề cao sự tối giản trong mọi mặt của đời sống hàng ngày. Vì thế, món ăn do người Nhật làm ra cũng thể hiện rất rõ đặc điểm này trong cách chế biến món ăn cũng như trang trí. Trong khi các món ăn của các nước châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam,… thường nêm nếm gia vị rất cầu kỳ để món ăn được đậm đà và có mùi hương đặc trưng thì các món ăn Nhật Bản thường được chế biến với rất ít gia vị để giữ nguyên được hương vị của các nguyên liệu làm nên món ăn đó. Vì thế các món ăn của Nhật thường rất giàu chất dinh dưỡng tự nhiên, giúp cho thực khách có thể thoải mái ăn ngon mà không sợ bản thân bị thừa cân hay ảnh hưởng đến sức khỏe. Các món ăn của Nhật Bản luôn được các đầu bếp gửi gắm vào đó những triết lý của nghệ thuật dưỡng sinh nên dù dùng rất ít gia vị nhưng món ăn không hề bị nhạt, mà có sự hòa quyện hương vị vào với nhau khơi gợi khẩu vị của thích khác.

Như đã nói ở trên, cách trang trí món ăn của các đầu bếp Nhật Bản luôn tinh tế, đơn giản nhưng đầy ấn tượng. Thông thường, món ăn sẽ được trang trí bởi chính những nguyên liệu đã làm nên món ăn đó. Tuy nhiên, dù món ăn được trang trí tối giản nhưng để được có thành phẩm ưng ý nhất, đầu bếp Nhật Bản luôn phải chăm chút tỉ mỉ cho từng chi tiết một như một người nghệ nhân thực thụ. Họa tiết trang trí trên các món ăn thường thể hiện tinh thần dân tộc đáng tự hào của người dân Nhật Bản hoặc gợi sự liên tưởng đến các hình ảnh biểu tượng của đất nước này như hoa anh đào, mặt trời, kiếm samurai,…  Vì thế, khi thưởng thức các món ăn Nhật Bản, du khách không chỉ cảm nhận được hương vị của món ăn mà còn nhìn thấy được tinh thần đáng khâm phục của người Nhật Bản được gửi gắm vào đó.

Tham khảo thêm: Những món ăn và các khu ẩm thực Hà Nội

Giữ nguyên độ tươi ngon của thực phẩm khi chế biến

Người Nhật có những bí quyết riêng để luôn giữ được độ tươi ngon của các loại nguyên liệu như thịt, cá, rau củ,… Đặc biệt là cá ngừ đại dương do người Nhật đánh bắt luôn nổi tiếng về độ tươi ngon và được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Cá sau khi được đánh bắt sẽ được giết bằng công cụ đặc biệt, sau đó được đưa đi bảo quản nguyên con bằng đá lạnh. Với cách làm này, họ có thể bảo quản thực phẩm và giữ được hương vị tươi mới trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày.

Chính nhờ những bí quyết này đã giúp cho Nhật Bản có số lượng món ăn chế biến từ nguyên liệu tươi cực kỳ đa dạng và gây ấn tượng với du khách thập phương như sushi, sashimi,… Những món ăn sống này thường mang lại cảm giác mới mẻ, khác lẹ cho người ăn. Hơn nữa, việc giữ nguyên độ tươi sống cho nguyên liệu cũng giúp cho hàm lượng giá trị dinh dưỡng trong các món ăn Nhật Bản rất cao, rất tốt cho sức khỏe. Các món ăn sống này được đi kèm với nhiều loại nước chấm truyền thống đặc biệt như nước tương ủ, mù tạt,.. để khử đi mùi tanh cũng như tiêu diệt các loại vi khuẩn còn sót lại trên thịt sống nên bạn hoàn toàn không phải lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi thưởng thức các món ăn này.

Tuân thủ quy tắc “tam ngũ”

“Tam ngũ” là quy tắc chung của tất cả món ăn Nhật Bản và được các đầu bếp tuân thủ rất nghiêm ngặt. “Tam ngũ” bao gồm ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp. Ngũ vị chính là 5 hương vị chính của món ăn: ngọt, cay, mặn, chua, đắng. Ngũ sắc là 5 màu sắc được dùng cho món ăn: trắng, xanh, đen, vàng, đỏ. Cuối cùng, ngũ pháp là 5 phương pháp chế biến món ăn: sống, ninh, nướng, chiên và hấp.

Khi làm ra bất kỳ món ăn nào, người đầu bếp Nhật Bản luôn cố gắng đảm bảo tuân thủ các quy tắc trên. Quy tắc này được coi là một nét nổi bật giúp cho du khách có thể nhận diện được các món ăn Nhật Bản giữa vô vàn những món ăn đặc sặc đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau của các quốc gia trên thế giới. Khi trình bày món ăn, các đầu bếp cũng cố ý chia các loại thức ăn ra thành các đĩa nhỏ, để thực khách có thể thấy rõ được sự đa dạng màu sắc trong cách trang trí món ăn, đồng thời cũng có thể dùng cả 5 giác quan để cảm nhận từng “ngũ vị” của món ăn một cách tinh tế, kỹ lưỡng nhất.

Cân bằng lượng dinh dưỡng hợp lý 

Ở Nhật Bản, có thể coi đầu bếp như những chuyên gia về dinh dưỡng thực thụ, bởi vì họ luôn biết cách cân bằng lượng dinh dưỡng của từng nguyên liệu để tạo nên một món ăn tốt cho sức khỏe người dùng nhất. Điều này rất khác với ẩm thực của hầu hết các quốc gia trên thế giới, người đầu bếp thường quan tâm tới hướng vị và cách bài trị của món trước, sau đó mới đến lượng dinh dưỡng có trong món ăn. Các món ăn của Nhật Bản cũng thường được nấu với số lượng vừa phải để thực khách có thể thưởng thức trọn vẹn món ăn và không bao giờ để lại thừa mứa, lãng phí. Đồng thời thực khách cũng có thể kiểm soát lượng calories nạp vào trong cơ thể để có một cơ thể khỏe mạnh và cân đối nhất. 

Đặc điểm này của ẩm thực Nhật bản xuất phát từ chính thói quen sống lành mạnh, chú trọng dưỡng sinh của người dân đất nước này. Vì vậy, dễ hiểu khi Nhật Bản luôn nằm trong danh sách những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất trên thế giới và tỉ lệ mắc các bệnh hiểm nghèo của người Nhật luôn nằm ở mức thấp.

Đảm bảo nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên

Nhật Bản là một đất nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, người Nhật không lạm dụng khoa học kỹ thuật vào việc phát triển nông nghiệp. Các nông sản được sử dụng trong chế biến thực phẩm của Nhật đều phải được trồng và thu hoạch theo một quy trình “thân thiện” với thiên nhiên nhất, vì thế có thể nói nông sản ở quốc gia này “sạch 100%” và hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Đối với các loại thực phẩm khác như thịt, cá,…đều phải đáp ứng được những quy định khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước trước khi đưa vào chế biến thức ăn. Chính sự nghiêm ngặt trong việc tuyển chọn nguyên liệu đầu vào này đã giúp cho các món ăn của Nhật Bản luôn có hương vị thơm ngon, tự nhiên nhất, không đậm mùi hóa chất công nghiệp như các loại thức ăn khác.

 Người Nhật luôn thích được thưởng thức những món ăn có nguyên liệu thay đổi theo mùa. Vì thế, các loại đồ ăn nhanh được chế biến theo dây chuyền công nghiệp như gà rán KFC, MCdonald, LOTTE,… thường không được người dân ưa chuộng. Họ nghĩ rằng những món ăn này không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch và dễ gây béo phì, do đó người Nhật rất hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh này.

Người Nhật thường uống rượu sake

Có thể nói, rượu sake là loại rượu phổ biến nhất ở xứ Phù Tang, được coi là quốc hồn quốc túy ở Nhật Bản. Tại Nhật Bản hiện nay, có hơn 2000 lò rượu lớn nhỏ mỗi ngày sản xuất ra khoảng hơn 15,000 loại rượu sake khác nhau, nhằm mục đích giới thiệu đến khách du lịch ở khắp nơi trên thế giới về tinh hoa của ẩm thực Nhật Bản

Rượu sake được làm từ loại gạo truyền thống của Nhật (nihonshu), kết hợp cùng với mạch nha và nước. Có nhiều cách để thưởng thức rượu sake, có thể uống rượu sake ở nhiệt độ phòng, uống rượu sake nóng ( rượu không được đun nóng lên như ở Việt Nam mà được ngâm vào bát nước nóng) hoặc uống lạnh (cho đá vào).Ở mỗi trạng thái, rượu sake lại có một tên gọi rất khác nhau: sake nóng gọi là “atsukan”; sake ấm thì được gọi là “nukuran”; sake ở nhiệt độ phòng được gọi là “hiya”; sake lạnh được gọi là “reishu”. Mức độ cồn thông thường của rượu sake là 15%-17%

Rượu sake có rất nhiều loại, mỗi loại mang một tên gọi khác nhau. Có thể kể tên 4 loại rượu sake phổ biến nhất hiện nay, đó là:  hirezake; tamago – zake; sakura – zake. Hirezake là loại rượu sake bỏ cá nướng hoặc mực nướng vào rượu sake nóng (atsukan) nên có mùi cá rất đặc trưng. Tamago – zake là loại rượu sake được pha với lòng đỏ trứng sống đánh nhuyễn rồi cho vào sake nóng. Cuối cùng, Sakure – zake là loại rượu sake nóng ngâm cùng với hoa anh đào muối.

Nhiều người nhận xét rằng, đối với người lần đầu tiên uống rượu sake nên thử với sake ấm (nukuran) để cảm nhận rõ hơn vị cồn, vì gạo đặc trưng và hương thơm ngọt của rượu. Hầu hết thực khách đều thấy rằng rượu sake rất thơm và có mùi gạo rất đặc biệt nên không nên uống sake với đá vì có thể làm vị rượu nhạt đi dù sake lạnh (reishu) cũng rất phổ biến ở Nhật. Khách du lịch Việt Nam khi thưởng thức loại rượu này thường nói sake dễ uống hơn rất nhiều so với rượu nếp cái hoa vàng – một trong những loại rượu truyền thống ở nước ta.

Hiện nay, rượu sake được xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới nên bạn không nhất thiết phải đến tận Nhật Bản để được thưởng thức loại rượu này. Ở Việt Nam, bạn có thể lựa chọn những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để có thể cảm nhận được hết hương vị tuyệt vời của rượu sake.

Tham khảo thêm: Điểm danh những quán bún riêu ngon nhất tại Hà Nội hiện nay

Nhật bản là đất nước có một nền văn hóa rất đặc sắc, xứng đáng là một điểm đến hấp dẫn cho những tín đồ du lịch. Ngoài những đặc điểm nổi bật nhất của văn hóa ẩm thực Nhật Bản được đưa ra trong bài viết, Nhật Bản còn rất rất nhiều những nét văn hóa đang chờ đợi được bạn khám phá. Hy vọng rằng, với những thông tin thú vị về văn hóa ẩm thức Nhật Bản được tổng hợp trong bài viết này, bạn đọc sẽ có thêm một lượng kiến thức phong phú về đất nước Nhật Bản và có thêm động lực để bắt đầu hành trình khám phá quốc gia này. Xin cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!

>>> Xem thêm các bài viết:

5/5 (2 bình chọn)
Tin liên quan